Món 3 miền
Cách làm món cơm Lam của người Tây Bắc
Nguyên Liệu:
- Ống nứa tươi chặc dài khoảng 30 cm
- Gạo nếp
- Gừng, muối
Với tộc người Thái, để làm món cơm lam thì việc đầu tiên phải chọn ống nứa tươi, có vỏ ngoài xanh đậm, chặt dài khoảng 30 phân là được. Kế đến là khâu chọn gạo nếp. Nếp cái hoa vàng là loại gạo được chọn để làm cơm lam, tiêu chuẩn chọn là hạt tròn, mẩy, màu trắng sữa và có mùi thơm.
Đầu tiên, vo gạo cho sạch rồi ngâm nước khoảng 6-8 giờ, vớt ra rổ để ráo. Tiếp theo người Thái trộn gạo với gừng giã và muối, rồi đổ gạo vào ống nứa, thêm nước ngập gạo.
Để cho món cơm lam ngon, người Thái không đổ nhiều gạo mà cách miệng ống khoảng một đoạn để khi gạo chín sẽ nở đầy kín miệng ống. Miệng ống được bịt kín bằng lá chuối hoặc lá dong. Khi nướng liên tục xoay ống nứa để cơm được chín đều. Đến khi thấy hơi nước bốc ra từ miệng nắp có mùi thơm là cơm lam đã chín. Sau đó chẻ lớp vỏ bên ngoài để lại lớp lạt mỏng. Khi ăn bóc vỏ và ăn cùng với muối vừng sẽ rất ngon.
Món cơm tưởng chừng rất đơn giản trong nguyên liệu và cách làm nhưng ngược lại là cả một nghệ thuật, một ý tưởng của người vùng cao về sự hòa quyện giữa nước, lửa và những ống nứa non.
Ngày xưa cơm lam là món ăn thường được mang đi rừng của người dân tộc Thái trong những chuyến đi rừng dài ngày, người đi chỉ cần mang theo gạo, lên rừng chặt ống nữa, lấy nước suối và tìm củi khô để chế biến. Ngày nay, món cơm lam nổi tiếng trong các ngày hội văn hoá các dân tộc, người Thái thường đem trình diễn để giới thiệu văn hoá của mình.
Gạo nếp cái hoa vàng được cho vào ống nứa.
Cơm lam được nướng bên lữa hồng.
Sau khi cơm chín, phần vỏ ngoài ống nứa được dát bỏ.
Thành phẩm món cơm lam Tây Bắc.
Theo Báo Ảnh Việt Nam